Phát biểu mới đây nhất của Bộ GD-ĐT: các trường không nhất thiết làm
theo mẫu mà có thể tự thiết kế cuốn sổ theo dõi, nhận xét HS tùy tình
hình thực tế.
Trong khi đó các trường tiểu học đang chờ cuốn sổ nhận xét đã được phát mẫu trong các buổi tập huấn về thông tư 30.
Một hiệu trưởng tiểu học tại HN giải thích vì sao
các trường có tâm lý chờ Bộ: "Vì trong khi tập huấn, Bộ đã đưa ra mẫu
sổ, các phần mà giáo viên cần ghi nhận xét, nêu rõ nhận xét nội dung gì,
đánh giá về kiến thức, năng lực, hay phẩm chất của HS nên việc cán bộ,
giáo viên được tập huấn hiểu đó là quy định cứng cũng không có gì lạ”.
Trong khi đó các trường tiểu học đang chờ cuốn sổ nhận xét đã được phát mẫu trong các buổi tập huấn về thông tư 30.
Hà Nội: Bắt đầu tự “chế” sổ nhận xét
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh, hiệu trưởng trường tiểu
học Chu Văn An - HN thì lại cho biết: “Tôi là người tham dự tập huấn từ
đợt đầu tiên thì thấy đúng là Bộ GD-ĐT không quy định cứng việc phải sử
dụng sổ đánh giá theo mẫu hoặc bắt buộc giáo viên phải nhận xét đúng
theo mẫu với tất cả học sinh/tháng. Tuy nhiên, có lẽ việc triển khai hơi
vội nên tâm lý của các nhà trường, giáo viên đều cố gắng dựa vào "mẫu"
cho yên tâm không bị sai, dù đây là việc khiến giáo viên vất vả hơn,
nhất là giáo viên chuyên biệt”.
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết: Do không bắt buộc
nên trường tôi chỉ đặt mua cho mỗi giáo viên 1 cuốn sổ mẫu. Dựa vào
cuốn mẫu đó giáo viên có thể tự thiết kế mẫu sổ phù hợp cho mình.
Cụ thể, đối với giáo viên chuyên biệt, trường tôi
chỉ có 2 giáo viên dạy Mỹ thuật, mỗi người phụ trách 20 lớp. Thay vì mua
20 cuốn sổ cho giáo viên môn này, tôi hướng dẫn giáo viên dựa vào sổ
mẫu để thiết kế một cuốn sổ chung cho 20 lớp. Mỗi lớp có 2 trang, tổng
cộng 80 trang/cuốn. Mỗi cuốn sổ chung này chỉ sử dụng trong một tháng.
Hết tháng, giáo viên có thể lưu giữ cuốn sổ, chuyển sang cuốn sổ mới...
Sau một năm học, nếu muốn theo dõi tiến trình của
HS của một lớp thì giáo viên có thể dùng cách cơ học dỡ các cuốn sổ theo
tháng ra ghép các trang của mỗi lớp với nhau để thành 20 cuốn sổ riêng
rẽ.
"Với giáo viên chủ nhiệm cũng thế, từ lâu rồi tôi
chỉ đạo giáo viên sử dụng sổ chủ nhiệm điện tử để giảm gánh nặng "nhiều
sổ sách". Với cuốn sổ nhận xét mới này, trong tương lai chúng tôi cũng
nghiên cứu để chuyển sang sổ điện tử. Tuy nhiên, giữa cuốn sổ đánh giá
HS (thay cho sổ điểm cũ) và sổ chủ nhiệm có những nội dung sẽ bị trùng
nhau, nên tôi mong muốn nếu được Bộ GD-ĐT cho phép linh hoạt, chúng tôi
có thể lược các nội dung trùng lặp" - Cô Minh trao đổi.
Cũng chia sẻ về số lượng sổ sách quá nhiều sau khi
đổi mới đánh giá HS, cô Nguyễn Thị Kim Dung, hiệu trưởng trưởng tiểu học
Tô Hoàng - HN cho biết: "Nếu Bộ cho phép linh hoạt thì chúng tôi rất
mừng, vì nếu sử dụng một cách cứng nhắc sổ theo mẫu thì số lượng sổ
chúng tôi phải mua như năm nay rất lớn. Mỗi năm cộng dồn lại thì các
trường không đủ chỗ chứa sổ sách".
Theo cô Dung, BGH nhà trường cũng đang chỉ đạo giáo
viên linh hoạt sử dụng nhiều hình thức đánh giá, nhận xét. Riêng giáo
viên chuyên biệt được linh hoạt trong nhận xét, chỉ chú ý nhiều đến HS
nổi bật và HS yếu kém, HS có thay đổi tiêu cực hoặc tích cực trong thái
độ, khả năng tiếp thu, còn những HS hoàn thành yêu cầu bình thường có
thể chỉ nhận xét chung, ngắn gọn.
TP.HCM: Khó làm như nội dung tập huấn
Một giáo viên tại TP.HCM cho biết tháng 9 vừa qua
cô được tham gia tập huấn Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá HS tiểu
học. Tại buổi tập huấn, giáo viên được tìm hiểu thông tư, quy trình nhận
xét thường xuyên và định kỳ, làm quen với một số mẫu sổ sách, lời nhận
xét, đánh giá.
Sau đó, các giáo viên được thực hành tại chỗ việc
nhận xét bằng lời và bằng chữ trên những mẫu bài học cụ thể. Một “ngân
hàng” lời nhận xét, trong đó có những lời nhận xét hay được “sưu tầm”
trên mạng cũng được các giáo viên trao đổi cho nhau để “làm vốn” khi
“bí” từ ngữ, cô giáo này nhấn mạnh thêm.
Các giáo viên đều nhận được cuốn Sổ theo dõi chất
lượng giáo dục, dự kiến sẽ là loại sổ thay thế sổ điểm. Trong sổ này,
giáo viên sẽ phải ghi những nhận xét nổi bật của từng HS theo từng môn,
từng tháng và từng mục. Mục a là Kiến thức, kỹ năng (môn học và hoạt
động giáo dục), mục b là Năng lực (giao tiếp, tự quản…) và mục c là Phẩm
chất HS (trung thực, kỷ luật, đoàn kết…).
Trong cuốn Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, giáo
viên phải theo dõi cả chiều cao, cân nặng, sức khỏe, số ngày nghỉ (có
phép, không phép) của HS. Như vậy ngoài nhận xét bằng lời trên lớp, giáo
viên nhận xét hàng tháng vào cuốn sổ này và mỗi năm hai lần vào điểm 9
kiểm tra định kỳ giữa năm và cuối năm) và nhận xét một lần nữa từng môn
học trong Học bạ.
Một hiệu trưởng tại quận 5 băn khoăn: Hiện nay HS
đang dùng học bạ cũ với phương thức ghi điểm, nếu chuyển sang nhận xét,
sẽ phải dùng một học bạ mới. HS lớp 5 khi ra trường sẽ mang theo hai
cuốn học bạ kẹp vào nhau. Trường thì chắc phải mua thêm tủ để lưu trữ sổ
sách liên quan đến HS khi các loại sổ cứ phát sinh như thế này! Đó là
chưa kể các hiệu trưởng đang hoang mang việc cuối năm sẽ đưa ra tiêu chí
như thế nào để khen thưởng HS khi mà chưa có một hướng dẫn cụ thể nào”.
Tuy nhiên đến thời điểm này, các trường cho biết
chỉ mới nhìn thấy bản mẫu, chưa có thông tin về việc bao giờ sử dụng
loại sổ sách mới (học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục) này, cũng như
việc giáo viên có thể “linh hoạt” làm sổ nhận xét.
Các hiệu trưởng khi được hỏi đều khẳng định tinh
thần các buổi tập huấn của Sở GD-ĐT TP.HCM là giáo viên “không nhất
thiết tiết dạy nào cũng viết nhận xét vào phiếu, vở của HS”, “thời gian
đầu, mỗi tiết học giáo viên chỉ cần nhận xét khoảng 5 HS, sau đó giáo
viên ngày càng nhận xét nhiều hơn, chi tiết hơn”.
Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thực hiện và tập huấn
thông tư 30 của Sở cũng ghi rõ: Nguyên tắc là 100% HS được đánh giá nhận
xét thường xuyên.
Một giáo viên tâm tư: “Thực ra những điều chúng tôi
được tập huấn chỉ là lý thuyết. Thực tế giáo viên vẫn phải nhận xét
toàn bộ HS trong lớp bởi HS này ghen tị với HS kia khi bạn được nhận xét
vào vở còn mình chỉ được nhận xét bằng lời trên lớp, các em so đo bạn
nào được cô nhận xét dài hơn, kỹ hơn, và tất nhiên phụ huynh nào cũng
muốn được đọc nhận xét của giáo viên trong vở con mình, càng nhiều, càng
kỹ càng tốt. Đó là lý do mặc dù tinh thần thông tư không yêu cầu quá
nặng ở giáo viên, nhưng thực tế chúng tôi vẫn phải làm để đảm bảo cân
đối hoạt động dạy học trong lớp”.
Một hiệu trưởng ở quân 4 cũng cho biết nhiều giáo
viên dành giờ giải lao để viết nhận xét, những giáo viên kỹ lưỡng thì
viết khoảng 2 dòng (trên dưới 10 chữ) cho mỗi HS và viết cho cả lớp
(trên 45 HS). Nhà trường cũng lưu ý thường xuyên về việc giáo viên cần
viết chữ đẹp, không sai chính tả, câu chữ gãy gọn, đúng tinh thần (khen
ngợi, chê nhẹ nhàng, đề ra hướng cố gắng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của NXB Giáo dục cho
biết: "Có một số công ty con của NXB nhận hợp đồng in ấn sổ mẫu. Tuy
nhiên, việc này do các cơ sở GD chủ động liên hệ, không phải chỉ định
của Bộ GD-ĐT. Hiện các đơn vị của NXB GD nhận in ấn cho một số đơn vị
tại TP.HCM, Hà Nội... Nhưng do số lượng đặt in lớn nên có nơi chưa kịp
cung ứng".
No comments: